Ken Porche, Ronny Samra, Kaitlyn Melnick, et al PMID: 34687905 DOI: 10.1016/j.spinee.2021.10.007
Đặt vấn đề: Phác đồ điều trị tăng cường phục hồi sau phẫu thuật (ERAS protocol) với sự kết hợp nhiều chuyên ngành, đa mô thức, giúp tăng tỷ lệ phục hồi vận động, giảm đau sau mổ, giảm tỷ lệ biến chứng, giảm thời gian nằm viện và không có biến cố bất lợi phải nhập viện lại nào được ghi nhận. Việc thiết kế và thực hiện các phác đồ điều trị phục hồi tăng cường sau phẫu thuật gần đây chủ yếu tập trung vào nhóm bệnh nhân phẫu thuật cột sống thắt lưng xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên, phẫu thuật mở cố định cột sống và hàn khớp liên thân đốt qua lỗ liên hợp (open TLIF) vẫn là phương pháp phẫu thuật phổ biến. Và, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị phục hồi tăng cường ở nhóm bệnh nhân này. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu này trình bày kinh nghiệm triển khai phác đồ điều trị phục hồi tăng cường sau phẫu thuật mở cố định cột sống và hàn khớp liên thân đốt qua lỗ liên hợp từ 1 đến 2 tầng. Thiết kế nghiên cứu: Hồi cứu dữ liệu ở nhóm bệnh nhân được kiểm soát các yếu tố gây nhiễu gồm tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể và tình trạng hút thuốc. Mẫu nghiên cứu: Các bệnh nhân được phẫu thuật mở cố định cột sống và hàn khớp liên thân đốt qua lỗ liên hợp từ 1 đến 2 tầng do thoái hóa cột sống từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2021. Biến số nghiên cứu: Thời gian nằm viện, ngày đầu tiên di chuyển được, ngày có nhu động ruột, ngày đi tiểu được sau phẫu thuật, điểm đau trung bình mỗi ngày, điểm đau cao nhất, việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid, tình trạng xuất viện, tỷ lệ nhập viện lại trong vòng 30 ngày, và các ca phải phẫu thuật lại. Phương pháp nghiên cứu: Thu thập số liệu về đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu, tình trạng lâm sàng và hình ảnh học trước phẫu thuật, sau phẫu thuật. Xây dựng mô hình hồi qui đa biến kết hợp đơn biến cho các số liệu về thời gian nằm viện, chức năng vận động, mức độ đau, và việc sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid. Kết quả nghiên cứu: Có 114 bệnh nhân trong 57 nhóm được thu thập số liệu. Sau khi loại bỏ các yếu tố gây nhiễu, đặc điểm của bệnh nhân ở các nhóm là tương tự nhau. Thời gian phẫu thuật và thời gian nằm viện giảm có ý nghĩa thống kê sau khi triển khai phác đồ ERAS (thời gian phẫu thuật: 170 ± 44 so với 141 ± 37 phút; thời gian nằm viện: 4,6 ± 1,7 so với 3,6 ± 1,1 ngày, p < 0,001). Ngày đầu tiên di chuyển được, ngày có nhu động ruột, ngày đi tiểu được sau phẫu thuật cải thiện lần lượt là 0,8 ngày (p < 0,001), 0,7 ngày (p = 0,008), và 0,8 ngày (p < 0,001). Tổng lượng morphine tương đương dùng đường tĩnh mạch hằng ngày (8 ± 9 so với 36 ± 38, p < 0,001) và tổng lượng morphine tương đương dùng đường tĩnh mạch trong vòng 72 giờ (53 ± 33 so với 68 ± 48, p < 0,001) thấp có ý nghĩa thống kê ở nhóm có áp dụng phác đồ ERAS. Tuy nhiên, tổng lượng morphine tương đương dùng đường tĩnh mạch trong vòng 72 giờ trước phẫu thuật không khác biệt giữa hai nhóm. Điểm đau trung bình hằng ngày tương đương giữa các nhóm. Kết luận: Tương tự các nghiên cứu về lợi ích của phác đồ ERAS đối với phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu; nghiên cứu này cho thấy phác đồ ERAS giúp làm giảm thời gian phẫu thuật, giảm thời gian nằm viện, giảm lượng thuốc giảm đau opioid đường tĩnh mạch và cải thiện hiệu quả về mặt vận động ở những bệnh nhân được phẫu thuật mở TLIF từ 1 đến 2 tầng. Phác đồ ERAS có thể là một chiến lược hiệu quả để cải thiện kết quả phẫu thuật ở bệnh nhân và gia tăng hiệu quả của nguồn lực chăm sóc y tế ở nhóm bệnh nhân phẫu thuật cột sống thường quy như phẫu thuật mở cố định cột sống và hàn khớp liên thân đốt qua lỗ liên hợp.
Comments