top of page
Laptop and Notebook

BÀI VIẾT

Post: Image
Post: Blog2_Post

Chiều dài của vít cố định trong phẫu thuật ACDF 2 tầng có ảnh hưởng đến nguy cơ khớp giả?

Đặt vấn đề:

Khớp giả vẫn còn là một biến chứng quan trọng ở bệnh nhân phẫu thuật lấy nhân đệm cột sống cổ và hàn xương liên thân đốt lối trước (ACDF) (0 – 15% sau 1 năm theo dõi). Y văn đã đề cập đến những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như hút thuốc lá và loãng xương. Các nghiên cứu cơ sinh học cho rằng nẹp cột sống cổ cố định bằng vít thân sống làm gia tăng độ vững chắc của cột sống và tăng lực nhổ ra của vít (pull-out strength).


Mặc dù, vít thân sống càng dài càng làm tăng lực nhổ ra của vít. Nhưng, vít càng bắt sâu vào thân sống càng làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng trong mổ. Một yếu tố quan trọng vẫn còn được nghiên cứu là chiều dài tối thiểu của vít so với đường kính trước sau của thân sống để đạt được sự hàn xương thành công. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đặt giả thiết rằng chiều dài của vít càng ngắn càng làm tăng tỷ lệ khớp giả trên phim Xquang và dẫn đến kết cục không tốt ở bệnh nhân.



Mục tiêu:

Đánh giá ảnh hưởng của chiều dài vít trong phẫu thuật ACDF đến nguy cơ khớp giả.


Thiết kế nghiên cứu:

Nghiên cứu tiến cứu. Mẫu nghiên cứu: 85 bệnh nhân, tuổi trung bình là 58,9 ± 10,3 và 42,4% bệnh nhân là nữ. Thời gian theo dõi trung bình là 21,6 ± 8,3 tháng.


Các biến số nghiên cứu:

Chỉ số giảm chức năng cột sống cổ (Neck disability index – NDI) được dùng để đánh giá kết cục phẫu thuật ở bệnh nhân. Ở mỗi tầng phẫu thuật, đánh giá tỷ lệ chiều dài vít so với phần trăm đường kính trước sau của thân sống. Đánh giá hình ảnh khớp giả trên phim Xquang (di động khoảng gian gai ≥1mm) được ghi nhận tại thời điểm 6 tuần, 6 tháng, và 1 năm. Giá trị tiên đoán âm và giá trị tiên đoán dương khi khoảng gian gai thay đổi ≥1mm được tính ở những ngưỡng tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống khác nhau. Ở ngưỡng tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống <75% thì giá trị tiên đoán dương cao nhất (93%) và giá trị tiên đoán âm thấp nhất (70%). Chúng tôi dùng ngưỡng 75% để phân tích song biến và phân tích đa biến.


Phương pháp nghiên cứu:

Chúng tôi nghiên cứu trên dữ liệu các cuộc phẫu thuật ACDF 2 tầng, có hay không có cắt thân sống, từ năm 2015 đến năm 2018 ở bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên. Thời gian theo dõi ít nhất 1 năm. Phân tích đa biến để xem rằng tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống có phải là yếu tố nguy cơ độc lập của khớp giả khi đánh giá trên phim Xquang hay không.


Kết quả nghiên cứu:

Sau 1 năm theo dõi, tỷ lệ hàn xương thành công là 92,9%. Tỷ lệ bệnh nhân phải mổ lại là 4,7%. Ở nhóm bệnh nhân với tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống <75% có tỷ lệ hàn xương thấp hơn đáng kể (64,3%) so với nhóm có tỷ lệ này >75% (98,6%). Tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống <75% làm gia tăng số bệnh nhân bị khớp giả ở từng thời điểm theo dõi. So sánh tại các thời điểm nghiên cứu, bệnh nhân được ghi nhận khớp giả tại thời điểm 6 tuần sau phẫu thuật sẽ có điểm NDI tệ hơn vào thời điểm 2 năm (p=0,047). Các yếu tố nguy cơ độc lập của khớp giả bao gồm: tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống <75% (OR 77, p<0,001), đã/đang hút thuốc (OR 6,8, p=0,024), cắt thân sống (OR 0,1, p=0,010). Bệnh nhân có di động khoảng gian gai ≥1mm sẽ có tỷ lệ mổ lại tại thời điểm 1 năm cao hơn (5,9%), nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p=0,656).


Kết luận:

Ở phẫu thuật ACDF 2 tầng, tỷ lệ chiều dài vít/đường kính trước sau của thân sống <75% làm gia tăng tỷ lệ di động khoảng gian gai ≥1mm. Các phẫu thuật viên có thể dùng ngưỡng 75% để tránh các trường hợp vít thân sống quá ngắn. Ngưỡng này có thể dễ dàng đo được trong lúc phẫu thuật và được chứng minh là liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ khớp giả trên phim Xquang ở giai đoạn sớm sau phẫu thuật.


Comments


bottom of page